Công điện số 13 của Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT, TKCN&PTDS Công an tỉnh về việc triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 8
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Thanh Hóa khoảng 600km, cách Nghệ An khoảng 610km, cách Hà Tĩnh khoảng 540km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 350km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30km, đi vào vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ và có khả năng suy yếu dần về cường độ. Đến 01 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, cách Thanh Hóa khoảng 240km, cách Nghệ An khoảng 250km, cách Hà Tĩnh khoảng 190km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11, theo dự báo bão số 8 tiếp tục ảnh hưởng trên diện rộng trong đó có tỉnh Thái Bình.
Thực hiện Công điện số 05 của Bộ Công an về việc chủ động ứng phó với bão, mưa lũ; Công điện khẩn số 09 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai các giải pháp phòng, chống bão số 8 khôi phục sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2021 và Công điện số 16 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 8, Ban Chỉ huy ƯPT/Công an tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy ƯPT/các đơn vị, Công an huyện, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 12 của Ban Chỉ huy ƯPT/Công an tỉnh về việc ứng phó với bão số 8 (bão Kompasu), theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến của bão số 8 trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp, đảm bảo phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và hành động theo đúng phương châm “lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”. Đồng thời, triển khai quyết liệt các mặt công tác bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; các phương án, kế hoạch của Công an tỉnh về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong và sau dịch bệnh Covid-19.
2. Triển khai các phương án ứng phó bão số 8: Chằng chống nhà cửa, kho tàng, cắt tỉa cây lớn, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, tài sản, hồ sơ, tài liệu, trụ sở cơ quan, các cơ sở giam giữ, các công trình xây dựng. Tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị vật tư, phương tiện theo quy định; rà soát việc chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm… để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi bão đổ bộ, đặc biệt ở những nơi có nguy cơ bị mưa bão chia cắt, cô lập.
3. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở khẩn trương di dời các hộ dân sinh sống trong nhà yếu, toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển ở các huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy vào nơi an toàn. Đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông.
4. Các đơn vị, Công an huyện, thành phố chỉ đạo Đoàn Thanh niên, lực lượng Công an xã huy động lực lượng thanh niên xung kích xuống địa bàn hỗ trợ nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích rau màu, lúa, dược liệu đã đến thời kỳ thu hoạch với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, hỗ trợ chống bão, hộ đê nhằm hạn chế ảnh hưởng của mưa bão gây ra.
5. Tổ chức trực ban, trực chỉ huy nghiêm túc 24/24 giờ, bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; thực hiện chế độ thông tin báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy ƯPT/CAT (Đội Tham mưu tổng hợp - Phòng Tham mưu) để tổng hợp báo cáo Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh./.