Công an tỉnh Thái Bình hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
Tháng 8 năm 1945, cùng với lực lượng Công an nhân dân cả nước, Công an Thái Bình được thành lập với tên gọi là Ty Liêm phóng, đầu năm 1946, đổi tên thành Ty Công an. Ngay sau khi thành lập, Công an Thái Bình đã trấn áp mạnh những tên đầu sỏ cầm đầu các tổ chức mật vụ, đảng phái phản động ở Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thái Ninh, Thư Trì; phá tan tổ chức phản động Việt Nam quốc dân Đảng ở Thái Bình, bảo vệ an toàn tuyệt đối cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I (tháng 1 năm 1946) và 2 lần Bác Hồ về thăm đầu năm 1946.
Từ tháng 12-1946 đến tháng 2-1950, Công an Thái Bình vừa tập trung củng cố, xây dựng tổ chức vừa chuẩn bị sẵn sàng cùng quân và dân trong tỉnh chống thực dân Pháp xâm lược. Khám phá 3 vụ gián điệp, 7 vụ nhen nhóm phản cách mạng, bắt 58 tên cầm đầu nguy hiểm, bóc gỡ hầu hết các tổ chức phản động, làm trong sạch địa bàn ở 12 phủ, huyện, triệt tiêu chỗ dựa của quân Pháp trước khi chúng đặt chân lên đất Thái Bình.
Ngày 8-2-1950, Pháp đánh chiếm Thái Bình, đóng gần 200 đồn bốt, lập hệ thống ngụy quyền từ tỉnh đến xã. Các lực lượng Công an Thái Bình đã chuyển hướng tổ chức và nhiệm vụ, luồn sâu vào vùng địch xây dựng cơ sở, tổ chức mạng lưới điệp báo, phản gián; phối hợp lực lượng bộ đội địa phương, du kích đánh trả quyết liệt các cuộc tấn công của địch. Đồng thời đẩy mạnh tấn công, trấn áp bọn phản cách mạng, gián điệp, phá âm mưu chia rẽ lương giáo, tham gia diệt ác phá tề. Tháng 4-1950, đội Thái Hùng ra đời, làm nòng cốt cho phong trào phá tề, trừ gian. Ty Công an có 3 đội, mỗi huyện, thị xã có một đội. Sau hơn một năm kể từ ngày thành lập, đội Thái Hùng đã phá 183 ban tề, bắt cảnh cáo 415 tên, bắt đi cải tạo 174 tên, trừ khử hàng trăm tên nguy hiểm có nhiều nợ máu với nhân dân.
Để đảm bảo an ninh trật tự vùng giải phóng, Công an Thái Bình đã truy quét, bắt 457 tên Việt gian đầu sỏ, bóc gỡ 13 cơ sở gián điệp chỉ điểm, xử lý 10 tên có nhiều tội ác; xác minh, kiểm soát chặt chẽ quan hệ 2 vùng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động tình báo, gián điệp, tuyển chọn người để cài cắm, bố trí vào một số trung tâm chỉ huy của địch, góp phần cùng quân và dân trong tỉnh chống càn, trong đó có nhiều trận càn lớn như trận càn Trái Quýt, Trâu Lồng, Con Cóc...
Ngày 30-6-1954, thực dân Pháp rút khỏi thị xã Thái Bình, lực lượng Công an nhanh chóng tiếp quản thị xã Thái Bình và triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự ở đô thị và các vùng giải phóng, bắt trừng trị 74 tên phản động đầu sỏ; phát hiện thêm 21 tên Quốc dân đảng, 34 tên Đại Việt, 24 tên gián điệp chỉ điểm. Ngày 2-7-1954, Ty Công an chuyển về thị xã Thái Bình, tuyển dụng thêm nhân viên; thành lập Đồn Công an thị xã, trạm Công an Tân Đệ; thay thế bổ sung 73 trưởng, phó Công an xã, 705 Công an viên ở 168 xã, 15 Công an viên ở 13 khu phố. Sau khi ổn định tổ chức, hoạt động của lực lượng Công an đi vào nề nếp và chất lượng hơn.
Bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Công an Thái Bình đã làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện và lập hồ sơ, kết hợp phát động quần chúng đấu tranh giáo dục, cải tạo hàng nghìn đối tượng tề ngụy, gián điệp, đảng phái phản động. Liên tiếp mở các đợt "khoanh vùng trấn phản" triệt phá 7 tổ chức chính trị phản động: Đại Việt duy dân, Cần lao nhân vị, Quốc gia liên Việt, Tân Việt liên minh, Tinh hoa dân quốc, Gươm thiêng ái quốc, Đạo binh xanh, góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội trong tỉnh.
Trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ (1965-1972), Công an Thái Bình đã nắm chắc tình hình, đấu tranh chống các hoạt động gián điệp, chiến tranh tâm lý, phản động; thu hủy hàng trăm kg truyền đơn, bạc giả, hàng tâm lý…; điều tra xử lý nghiêm bọn tội phạm kinh tế, hình sự; đảm bảo an toàn giao thông, vận tải, các chiến dịch hành quân, vận chuyển hàng hoá, lương thực, thuốc men, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam và bảo vệ an toàn cho nhân dân đi sơ tán, đồng thời tích cực chi viện cho an ninh miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Trong 15 năm (1961-1975) có trên 300 cán bộ chiến sĩ Công an tình nguyện vào Nam chiến đấu và đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Tiêu biểu là đồng chí Phan Văn Viêm, Trưởng Công an huyện Thụy Anh đã tình nguyện vào Nam chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên. Đồng chí đã anh dũng hy sinh, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau ngày 30-4-1975, đất nước độc lập, thống nhất và đi lên Chủ nghĩa xã hội, Công an Thái Bình tích cực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chi viện 264 chiến sĩ, cán bộ cho Công an các tỉnh biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế. Trong thời kỳ đổi mới từ 1986 -1996, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã giành được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, vào những năm 1997-1999, do những sai lầm, khuyết điểm trong công tác quản lý kinh tế - xã hội ở cơ sở, đã xảy ra khiếu kiện phức tạp, gây mất ổn định, nhiều nơi trở thành "điểm nóng". Lực lượng Công an đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền những chủ trương, giải pháp và cử hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ tăng cường xuống các xã tham gia giải quyết ổn định tình hình và khôi phục phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân ngay từ cơ sở. Đóng góp quan trọng vào đường lối dân vận của Đảng và xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời kỳ mới.
Thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, quán triệt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới, lực lượng Công an Thái Bình đã làm tốt chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò nòng cốt, xung kích, sự phối hợp hiệp đồng của các lực lượng vũ trang thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị trong tỉnh.
Quán triệt phương châm an ninh chủ động, phát huy tinh thần đoàn kết, mưu trí, sáng tạo, nắm địch từ xa, đã đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, phương thức, thủ đoạn, hoạt động chống phá, cài cắm cơ sở nội địa của các tổ chức phản động, khủng bố như “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều đại Việt”... Đập tan âm mưu thành lập và công khai tổ chức phản động “Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ” nhằm hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội XII của Đảng; xử lý nghiêm minh các đối tượng cầm đầu, nhen nhóm thành lập “Hội anh em dân chủ”, các đối tượng tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” ở địa phương. Trước yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lực lượng Công an Thái Bình đã chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, tạo môi trường an ninh, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức hiệu quả nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm; triệt phá thành công nhiều băng, ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, một số đường dây ma túy lớn, giải quyết ổn định các địa bàn, tụ điểm, điểm phức tạp về trật tự xã hội…. Bảo đảm tốt an ninh trật tự, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tập trung bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị lớn của đất nước, địa phương; các kỳ đại hội đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; chủ động tham mưu và trực tiếp tham gia tuyến đầu công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19, được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao.
Trải qua hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Công an Thái Bình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Lẵng hoa của Chủ tịch nước; được Chính phủ tặng cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2006". Nhiều năm liền được Bộ Công an tặng Cờ "Đơn vị thi đua xuất sắc"; 7 tập thể và 1 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; trên 10.000 lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương, Huy chương các hạng.
Phát huy kết quả đạt được, mỗi cán bộ, chiến sĩ các lực lượng Công an Thái Bình luôn kiên định, cảnh giác, giữ vững lập trường tư tưởng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt. Chủ động nắm tình hình, tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chiến lược, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của ngành, của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là những vấn đề mới về chủ trương, giải pháp trong bảo vệ an ninh quốc gia được Đại hội XIII của Đảng xác định, đó là các vấn đề an ninh phi truyền thống, “an ninh con người, bảo vệ an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh”. Phối hợp chặt chẽ các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trong tỉnh kiên quyết, kiên trì giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân và truyền thống vẻ vang, anh hùng của lực lượng Công an Thái Bình.
Ban biên tập