Thực hiện tố giác, tin báo về tội phạm qua ứng dụng VNeID
VNeID là ứng dụng định danh quốc gia (tài khoản định danh điện tử), giúp người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính, xác minh thông tin cư trú… mà không cần phải mang theo các giấy tờ bản cứng, giảm thiểu rủi ro mất mát.
Hướng dẫn tố giác tội phạm bằng ứng dụng VNeID
Để sử dụng VNeID người dùng cần cài đặt ứng dụng thông qua Google Play hoặc App Store. Sau đó tiến hành đăng ký tài khoản bằng số định danh cá nhân (là số CCCD) và số điện thoại.
Sau đây là cách tố giác, tin báo về tội phạm thông qua ứng dụng VNeID:
- Bước 1: Đăng nhập tài khoản vào ứng dụng VNeID trên điện thoại
- Bước 2: Tại giao diện chính, chọn "Dịch vụ khác"
- Bước 3: Chọn "Kiến nghị, phản ánh về ANTT" => Tạo mới yêu cầu
- Bước 4: Người dùng điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu (chọn "Ẩn danh" nếu muốn giữ bí mật thông tin bản thân )
- Bước 5: Xác nhận lại thông tin và gửi yêu cầu.
Để kiểm tra tình trạng xử lý, người dùng chỉ cần tìm đến mục Kiến nghị, phản ánh về ANTT.
Ai có quyền tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật hiện hành?
Căn cứ theo Điều 5 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng chống tội phạm như sau:
“Điều 5: Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
1. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Cơ quan nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật để xử lý và thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi phạm tội.
Thủ trưởng cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc không thông báo hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.
2. Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
3. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
4. Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.
5. Cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự.
6. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.”
Như vậy, ai cũng có quyền tố giác tội phạm nhằm thực hiện đấu tranh phòng ngừa tội phạm.